spot_img

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG – MỨC XỬ PHẠT

Must read

Bạo lực học đường là một trong những vấn đề đã tồn tại từ lâu trong môi trường giáo dục ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây các vụ bạo lực học đường ngày càng phức tạp hơn khi số lượng học sinh tham gia nhiều, tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn khi học sinh xem việc bạo hành bạn mình là chuyện bình thường, xem đó như một chiến tích nên quay video chia sẻ công khai trên mạng xã hội mà không nhận thức được việc bạo lực học đường là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy những hành vi nào được xem là hành vi bạo lực học đường, mức xử phạt được pháp luật quy định ra sao đối với những học sinh có hành vi bạo lực học đường. Dưới đây là các quy định về vấn đề này
Theo quy định tại Điều 37 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐ ngày 15/9/2020 của Bộ giáo dục và Đào tạo về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp quy định về những hành vi học sinh không được làm khi tham gia học tập tại trường cụ thể như sau:
– Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
– Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
– Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ.
– Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
– Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
– Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.
– Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, bạo lực học đường là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.
Biện pháp xử lý đối với hành vi bạo lực học đường quy định như thế nào?
Đối với hành vi bạo lực học đường có bị xử lý kỷ luật theo quy định của nhà trường, còn có thể bị truy cứu TNHS và bồi thường về dân sự, cụ thể:
1. Xử lý theo điều lệ, nội quy của nhà trường
Theo quy định khoản 2 Điều 38 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
– Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm;
– Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm;
– Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Những hành vi bạo lực vượt quá mức độ vi phạm hành chính thì sẽ cấu thành tội phạm. Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.
3. Trách nhiệm dân sự
Đối với những trường hợp các đối tượng tham gia vào việc bạo lực học đường chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự thì những người giám hộ đương nhiên của các đối tượng trên sẽ phải chịu xử phạt liên đới đối với các đối tượng tham gia vào bạo lực học đường, cụ thể Điều 590 BLDS 2015 có quy định:
Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, học sinh có hành vi bạo lực gia đình ngoài bị xử lý kỷ luật theo quy định của nhà trường, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường thiệt hại.

0/5 (0 Reviews)
- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article