Trong cuộc sống hằng ngày không khó gặp trường hợp người đi “vay nóng” tiền từ các công ty tài chính, tổ chức tín dụng đen hoặc cá nhân cho vay nặng lãi bị khủng bố bằng các cuộc gọi điện, tin nhắn gây áp lực buộc người vay phải trả tiền. Đa số các hình thức vay tiền này, người vay phải trả một mức lãi xuất khá cao và mất khả năng trả nợ khi đến hạn, lúc này thường phải chịu sự sức ép từ bên cho vay. Vậy việc bên cho vay tiền mà gọi điện, nhắn tin khủng bố người vay có bị xử phạt như thế nào?.

Theo điểm g khoản 3 điều 102 Nghị định số: 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có quy định như sau:

 Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

Về mức xử phạt, theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt như sau: Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Theo đó, nếu tổ chức cho vay có hành vi gọi điện thoại khủng bố, nhắn tin đe dọa người vay nhiều lần sẽ bị tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi này.

Hiện nay tình trang các tổ chức tín dụng đen dùng điện thoại gọi khủng bố tinh thần người vay tiền và gia đình của họ để đòi nợ, nhiều người hoảng sợ hoặc không muốn tiếp nhận cuộc gọi nên đã chuyển cuộc gọi sang đường dây nóng của Bộ công an, đã gây gián đoạn trong công tác tiếp nhận tin báo, tin tố giác về an ninh trật tự. Để chấn chỉnh tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, cụ thể tại điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi chuyển hướng các cuộc gọi đòi nợ đến đường dây nóng của Bộ Công an như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Truy nhập, sử dụng, tiết lộ, làm gián đoạn, sửa đổi, phá hoại trái phép thông tin, hệ thống thông tin;

– Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số;

– Không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định danh sách chủ sở hữu thuê chỗ lưu trữ thông tin số;

– Không bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân thuê chỗ lưu trữ thông tin số trừ các trường hợp cung cấp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Không thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng;

– Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;

Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định Về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Như vậy, người có hành vi vay tiền từ các ứng dụng và công ty tài chính khi đến thời hạn trả nợ đã chuyển cuộc gọi về đường dây nóng của Bộ Công an, làm ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và xử lý các tin báo, tin tố giác tội phạm từ quần chúng nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.