Từ lâu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được các nước trên thế giới quan tâm, đã có hệ thống văn bản pháp luật quy định chặt chẽ về vấn đề này. Còn tại Việt Nam khái niệm về quyền sở hữu trí tuệ cũng không còn mới và đã Nhà nước quy định trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng sản phẩm của người khác không xin phép vẫn còn nhiều, nhưng chủ sở không thể yêu cầu người đang sử dụng chấm dứt được vì chưa được nhà nước bảo hộ. Vậy quyền sở hữu trí tuệ là gì và phải làm như thế nào để quyền sở hữu trí tuệ không bị người khác xâm phạm.
Quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được hiểu như thế nào?
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là nhà nước và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ sử dụng các phương thức pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ của mình, chống lại mọi sự xâm phạm để giữ nguyên vẹn quyền sở hữu các đối tượng này. Quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ bằng các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự.
Tại sao phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ?
Bảo vệ sở hữu trí tuệ nhằm giúp chủ thể nắm quyền sở hữu, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ khuyến khích sự sáng tạo; thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của họ vào các hoạt động nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm tốt.
Ngoài ra, Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ góp phần giảm thiểu tổn thất, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Nhờ vào quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp sẽ không phải đối mặt với những thiệt hại về mặt kinh tế do hành vi “chiếm đoạt” của các đối thủ cạnh tranh.
Bảo vệ sở hữu trí tuệ mang lại lợi ích gì?
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là bảo vệ chủ thể đang sản xuất, kinh doanh những mặt hàng có chất lượng và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn, được sử dụng các hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao. Nếu không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì trên thị trường sẽ tràn lan những sản phẩm giả, kém chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng về cả uy tín và doanh thu của các chủ thể có sự đầu tư trí tuệ vào sản phẩm.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chống mọi hành vi sử dụng các sản phẩm hoặc nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ. Cũng như những hành vi sử dụng trái phép thông tin bí mật được bảo hộ.
Bảo vệ sở hữu trí tuệ tạo uy tín cho chủ thể kinh doanh. Để tạo ra thương hiệu, sản phẩm có uy tín trên thị trường, cá nhân, tổ chức phải trải qua thời gian dài để đầu tư, nghiên cứu, tốn nhiều thời gian và chi phí mới có thể tạo ra một sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình. Nhờ vào bảo vệ sở hữu trí tuệ, chủ thể kinh doanh sẽ xây dựng được thương hiệu và được nhiều người biết đến và tin dùng.
- Cần làm gì để được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ?
Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu của quyền trí tuệ phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được cấp văn bằng bảo hộ đối với quyền sở hữu trí tuệ của mình.
- Khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm thì chủ sở hữu phải làm gì?
Khi quyền sở hữu trí tuệ đã được nhà nước bảo hộ mà bị người khác sử dụng trái pháp luật, thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu người sử dụng chấm dứt ngay hành vi vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.