Trong thực tế ở những vùng quê thì việc gia xúc, gia cầm thả rông và đi lạc là chuyện thường ngày. Vậy nếu tìm thấy gia súc, gia cầm đi lạc, có thể dắt về và trở thành chủ hay không? Chúng tôi sẽ thông tin chi tiết quy định của Pháp luật về vấn đề này như sau:
1. Đối với gia súc bị thất lạc
Căn cứ Điều 231 Bộ luật dân sự 2015 quy định trường hợp bắt, giữ được gia súc bị thất lạc thì người bắt, giữ được cần:
– Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
– Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán mà chủ của chúng không đến nhận thì người đang chiếm hữu sẽ được xác lập quyền sở hữu.
Khi chưa hết các thời hạn trên, nếu chủ gia súc bị thất lạc tìm đến nhận lại, họ phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Đặc biệt, trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.
2. Đối với gia cầm bị thất lạc
Tại Điều 232 BLDS 2015 quy định:
– Trường hợp gia cầm của một người bị thất lạc mà người khác bắt được thì người bắt được phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại.
– Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu đối với gia cầm và hoa lợi do gia cầm sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia cầm.
Khi chưa hết các thời hạn trên, nếu chủ gia cầm bị thất lạc tìm đến nhận lại, họ phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia cầm. Trong thời gian nuôi giữ gia cầm bị thất lạc, người bắt được gia cầm được hưởng hoa lợi do gia cầm sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia cầm.
3. Trách nhiệm khi không trả lại gia xúc, gia cầm bị thất lạc
Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu hoặc yêu cầu bồi thường đối với gia xúc, gia cầm bị thất lạc, ngoài việc được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền, thì nếu người bắt được gia xúc, gia cầm bị thất lạc cố tình không trả lại cho chủ sở hữu thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Như vậy, điều đầu tiên cần làm khi bắt được gia xúc, gia cầm đi lạc người bắt được phải thông báo để chủ sở hữu biết đến nhận lại hoặc báo cho chính quyền địa phương. Nếu quá thời hạn theo quy định nêu trên mà không có ai đến nhận thì người bắt được gia xúc, gia cầm đi lạc mới trở thành chủ sở hữu.