Kinh tế càng phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng khá giả thì nhu cầu về người giúp việc gia đình ngày càng nhiều, nhất là đối với các thành phố lớn. Công việc bếp núc không còn được coi là bổn phận duy nhất của người phụ nữ trong gia đình, đặc biệt đối với các gia đình trẻ, người vợ dành nhiều thời gian lao động, học tập, tham gia các hoạt động xã hội nên không thể chu toàn việc gia đình, vì vậy nhu cầu cần người giúp việc ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, lao động giúp việc gia đình là loại lao động ‘đặc thù” không giống như những công việc bình thường khác, lao động giúp việc gia đình thường không làm trọn thời gian mà tính theo giờ, theo ngày hoặc theo tuần nên việc ký kết hợp đồng lao động ít khi được quan tâm. Vậy hiện nay pháp luật lao động của Việt Nam có quy định bắt buộc phải ký hợp đồng lao động đối với lao động giúp việc gia đình không? Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết quy định sau đây:
Căn cứ khoản 1 Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động năm 2019 về điều kiện riêng đối với lao động là giúp việc gia đình như sau:
– Khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động với người lao động. Hình thức hợp đồng lao động ký kết phải bằng văn bản theo quy định tại khoản 1 Điều 14 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật Lao động;
– Trước khi ký kết hợp đồng lao động, người lao động và người sử dụng lao động có nghĩa vụ cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 16 của Bộ luật Lao động, đồng thời người sử dụng lao động phải cung cấp rõ các thông tin về phạm vi công việc phải làm, điều kiện ăn, ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động và những thông tin cần thiết khác liên quan đến việc bảo đảm an toàn sức khỏe trong việc thực hiện công việc mà người lao động yêu cầu;
– Nội dung hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm thỏa thuận cụ thể các quyền, nghĩa vụ và lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động để thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế nhưng phải bảo đảm các nội dung chủ yếu quy định tại khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động;
Như vậy, đối với lao động giúp việc gia đình hiện nay pháp luật lao động bắt buộc trước khi nhận người lao động vào làm việc người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động với người lao động, hình thức hợp đồng lao động ký kết phải bằng văn bản.