spot_img

NGƯỜI LẬP DI CHÚC KHÔNG CHO BÁN DI SẢN CÓ ĐƯỢC KHÔNG?

Must read

Thực tế có một số trường hợp cha mẹ lập di chúc để lại nhà, đất cho con nhưng mong muốn con ở chứ không bán cho người khác sau khi cha mẹ chết, nên thường nói rằng chỉ để lại cho ở chứ không được bán. Vậy sau khi thừa kế di sản, người thừa kế có được bán nhà mà cha mẹ để lại không?. Sau đây là quy định của pháp luật về vấn đề này.
1. Người lập di chúc có những quyền gì?
Căn cứ Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền của người lập di chúc như sau:
– Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
– Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
– Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
– Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
– Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Như vậy, người lập di chúc có quyền thể hiện ý chí của bản thân trong việc phân định tài sản thuộc về ai và nghĩa vụ đối với tài sản đó sau khi người lập di chúc chết.
2. Người lập di chúc để lại di sản là căn nhà và không cho bán có được không?
Đối chiếu với quyền của người lập di chúc thì sẽ có 02 trường hợp xảy ra như sau:
Một là, người lập di chúc chỉ định tài sản đó để thờ cúng. Căn cứ tại khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng thì: “Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật”.
Theo đó, di sản được dùng vào việc thờ cúng thì không được chia thừa kế và sẽ do người được chỉ định trong di chúc quản lý phần di sản đó. Vì vậy, nếu trong di chúc có nêu nhà dùng vào việc thờ cúng không thể mang đi mua bán.
Thứ là, người lập di chúc để lại di sản và ghi nguyện vọng không cho bán thì việc “không cho bán” ở đây chỉ là nguyện vọng của người để lại di chúc mà không có quy định pháp lý nào ràng buộc đối với người thừa kế di sản.
Sau khi được thừa kế hợp pháp di sản thì người đó sẽ có quyền sở hữu đối với di sản mà mình được thừa kế. Căn cứ theo Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền sở hữu tài sản được quy định như sau: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.
Như vậy, nếu người lập di chúc ghi rõ nhà dùng vào việc thờ cúng thì không được bán. Nhưng nếu trong di chúc không phân định rõ căn nhà dùng vào mục đích thờ cúng thì người nhận di sản vẫn có thể chuyển nhượng căn nhà đó.

0/5 (0 Reviews)
- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article