Theo quy định hiện hành, nếu chủ nuôi thả rông, không rọ mõm chó, mèo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp chó cắn người gây thương tích, chủ nuôi phải bồi thường dân sự, thậm chí có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự nếu nạn nhân tử vong.
Quy định tại điểm Khoản 3, Điều 1, Quyết định 193/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, chủ nuôi chó phải thông báo việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã; đồng thời, cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình.
Ngoài ra, chủ nuôi chó còn phải thực hiện việc tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi của mình theo hướng dẫn của UBND các cấp. Còn theo Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, chủ nuôi sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 1-2 triệu đồng nếu không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho chó; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng…
Trong trường hợp chó cắn người thì tùy theo mức độ chủ nuôi có thể bị xử lý về dân sự hay hình sự. Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015: Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.
Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Trường hợp chó cắn dẫn đến chết người thì chủ nuôi phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng và thiệt hại khác do luật quy định (Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015).
Ngoài ra, chủ nuôi cũng phải chịu những trách nhiệm hình sự về tội “vô ý làm chết người” theo Khoản 1, Điều 128, Bộ luật Hình sự 2015, với khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là phạt tù đến 10 năm nếu để xảy ra hậu quả làm chết 02 người trở lên.
Nguồn: phunuonline