spot_img

MƯỢN HỒ SƠ ĐỂ ĐI LÀM CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG?

Must read

Trong thực tế có nhiều trường hợp do không đủ điều kiện để tham gia lao động theo quy định của pháp luật nên đã mượn hồ sơ của người khác để đi làm, thông thường là anh, chị em hoặc người thân thích trong gia đình.

Việc người cho người sử dụng những thông tin về nhân thân của mình để đi làm với mục đích tốt. Tuy nhiên, không ít trường hợp để lại hậu quả pháp lý mà chính người cho mượn và người mượn cũng không thể lường hết được, đôi lúc người lao động tự đánh mất quyền lợi khi sử dụng hồ sơ của người khác đi xin việc. Dưới đây là một trường hợp tương tự đã xảy ra.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đầu năm 2018 chị P rời Nghệ An vào Bình Dương xin việc khi mới hơn 16 tuổi. Khi đó, để vào làm công nhân may cho một doanh nghiệp tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, chị P mượn hồ sơ của chị gái mình là N. Cuối năm 2022, P qua đời đột ngột do tai nạn giao thông nhưng thân nhân không thể làm hồ sơ để hưởng chế độ tử tuất. Còn chị gái P thì gặp rắc rối khi chốt sổ BHXH do phát sinh thời gian đóng trùng BHXH ở 2 công ty.

Tương tự, cũng vì cho người quen mượn hồ sơ xin việc mà ông V bị treo quyền lợi BHXH hơn 2 năm qua. Từ tháng 10-2000 đến tháng 1-2020, ôngV làm việc và tham gia BHXH tại Công ty CP N ở tỉnh Đồng Nai. Trong khoảng thời gian này, ông V cho người quen mượn hồ sơ cá nhân để xin việc và tham gia BHXH tại Công ty TNHH F (từ tháng 6-2007 đến tháng 5-2010). Người mượn hồ sơ sau khi nghỉ việc đã hưởng BHXH một lần và trợ cấp thất nghiệp vào tháng 7-2011. Đầu năm 2021, vì sức khỏe yếu, không thể tiếp tục đi làm và tham gia BHXH, ông V làm thủ tục đề nghị hưởng BHXH một lần thì được cơ quan BHXH trả lời chờ tiến hành xác minh việc cho mượn hồ sơ, trùng quá trình tham gia để có cơ sở giải quyết. Sau 2 năm chờ đợi nhưng vẫn không nhận được kết quả giải quyết, ông V thắc mắc tiếp thì được BHXH tỉnh Đồng Nai trả lời căn cứ Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), trường hợp người lao động (NLĐ) mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực”, nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết HĐLĐ của Bộ Luật Lao động (BLLĐ). Đây là trường hợp HĐLĐ vô hiệu toàn bộ. Việc xử lý HĐLĐ vô hiệu toàn bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự.

Từ thực tế cho thấy, tình trạng NLĐ mượn hay cho mượn hồ sơ xin việc diễn ra phổ biến với nhiều lý do như: chưa đủ tuổi lao động, thiếu giấy tờ tùy thân, không có điều kiện về quê làm hồ sơ, nhưng NLĐ không biết rằng Hành vi mượn hồ sơ người khác tham gia BHXH là vi phạm pháp luật, việc sử dụng hồ sơ người khác để tham gia BHXH có thể bị xem là hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 4 điều 17 Luật BHXH. Căn cứ khoản 2 điều 122 Luật BHXH cá nhân có hành vi vi phạm quy định của luật BHXH, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Khi NLĐ cho mượn hay đi mượn hồ sơ lao động sẽ không được hưởng các quyền lợi về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và dễ bị người sử dụng lao động lợi dụng để phớt lờ việc thực hiện các nghĩa vụ của mình.

0/5 (0 Reviews)
- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article