Quyền yêu cầu phản tố là một trong những quyền đặc trưng của bị đơn trong vụ án dân sự được pháp luật tố tụng dân sự quy định. Việc xác định thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn là vô cùng quan trọng, không chỉ đảm bảo quyền lợi cho chính bị đơn mà còn đảm bảo quyền lợi cho các đương sự khác. Vậy thời điểm để bị đơn thực hiện quyền yêu cầu phản tố là khi nào?
Theo Điều 72 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của bị đơn như sau:
1. Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 70 của Bộ luật này.
2. Được Tòa án thông báo về việc bị khởi kiện.
3. Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
4. Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
5. Đưa ra yêu cầu độc lập đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và yêu cầu độc lập này có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Đối với yêu cầu độc lập thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.
6. Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác.”
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn như sau:
“1. Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.”
Như vậy, theo quy định nêu trên bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác.