Để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì các cơ sở phải được cấp giấy chứng nhận an toàn thực thẩm trước khi tiến hành hoạt động. Căn cứ Điều 11, 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định một số điều của Luật an toàn thực phẩm quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải được Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ những trường hợp sau đây:

– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

– Sơ chế nhỏ lẻ;

– Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

– Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

– Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

– Nhà hàng trong khách sạn;

– Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

– Kinh doanh thức ăn đường phố;

– Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Các cơ sở không thuộc diện phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nêu trên phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.

Về điều kiện để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm  được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm, Riêng đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 28 Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (kèm theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP);

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;

– Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.

*    Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm 

– Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 35 Luật An toàn thực phẩm;

– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

*    Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

– Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm.

– Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật An toàn thực phẩm.

Thời gian qua việc các chủ xe ô tô phải chật vật trong việc hoàn thành thủ tục đăng ký đúng hạn dẫn đến tình trạng ùn ứ, chủ xe phải chờ nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày mới được đăng kiểm, gây nên bức xúc trong dư luận và đó cũng dẫn đến tình trạng tiêu cực trong kết quả đăng kiểm. Để giải quyết tình trạng trên, ngày 21/3/2023 Bộ giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-BGTVT về đăng kiểm ô tô để sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 và có hiệu lực từ ngày 22/3/2023. Để giúp Quý khách hàng nắm rõ quy định này, chúng tôi xin tóm tắt những nội dung mới sửa đổi như sau:

1. Bổ sung quy định miễn đăng kiểm lần đầu với ô tô mới khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Xe cơ giới chưa qua sử dụng đã được cấp “Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” đối với xe sản xuất, lắp ráp hoặc “Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu” hoặc “Thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu”;

– Có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 02 năm (năm sản xuất cộng 01 năm);

– Có đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT.

2. Bổ sung trường hợp không phải đăng kiểm trên dây chuyền kiểm định

Xe cơ giới phải được kiểm định trên dây chuyền kiểm định, trừ các trường hợp sau đây:

– Trường hợp 1: Xe cơ giới chưa qua sử dụng thuộc trường hợp được miễn kiểm định lần đầu tại mục 1 nêu trên;

– Trường hợp 2: Xe cơ giới quá khổ, quá tải không vào được dây chuyền kiểm định: Hạng mục kiểm tra sự làm việc và hiệu quả phanh hoặc hạng mục khác không thực hiện kiểm tra được trên dây truyền kiểm định (nếu có) được thực hiện trên đường thử ngoài dây chuyền hoặc thực hiện kiểm định ngoài đơn vị đăng kiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Thông tư 02/2023/TT-BGTVT;

– Trường hợp 3: Xe cơ giới không thể di chuyển đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định được phép thực hiện kiểm định ngoài đơn vị đăng kiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Thông tư này bao gồm:

+ Xe cơ giới mà trên Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe sản xuất, lắp ráp hoặc Giấy chứng nhận (hoặc Thông báo miễn kiểm tra) chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu) có ghi thông tin “xe cơ giới không tham gia giao thông đường bộ”;

+ Xe cơ giới hoạt động tại các vùng đảo không có đơn vị kiểm định;

+ Xe cơ giới đang hoạt động tại các khu vực bảo đảm về an toàn, an ninh, quốc phòng;

+ Xe cơ giới hoạt động trong khu vực hạn chế như cảng, mỏ, công trường;

+ Xe cơ giới đang thực hiện các nhiệm vụ cấp bách (phòng chống thiên tai, dịch bệnh).

3. Sửa đổi hồ sơ đăng kiểm ô tô

Chủ xe phải khai báo thông tin và cung cấp giấy tờ sau đây để lập Hồ sơ phương tiện (trừ trường hợp kiểm định lần đầu để cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định có thời hạn hiệu lực 15 ngày):

– Xuất trình Giấy tờ về đăng ký xe (Bản chính Giấy đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc bản chính Giấy biên nhận giữ bản chính Giấy đăng ký xe (kèm theo bản sao giấy đăng ký xe) đang thế chấp của tổ chức tín dụng hoặc Bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của tổ chức cho thuê tài chính (kèm theo bản sao giấy đăng ký xe)) hoặc Giấy hẹn cấp Giấy đăng ký xe; 

– Bản sao Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước (trừ xe cơ giới thanh lý);

– Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo đối với trường hợp xe cơ giới mới cải tạo;

– Bản cà số khung, số động cơ của xe đối với trường hợp xe cơ giới thuộc đối tượng miễn kiểm định quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT;

– Khai báo thông tin các thông tin tương ứng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BGTVT

4. Bổ sung trường hợp tem kiểm định bị mất, hư hỏng nhưng không cần mang xe đến đơn vị đăng kiểm

Khoản 4 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BGTVT quy định Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Tem kiểm định bị mất, hư hỏng thì chủ xe phải đưa xe đi kiểm định lại để cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định, trừ các trường hợp sau:

– Giấy chứng nhận kiểm định lần đầu hoặc Tem kiểm định lần đầu của xe cơ giới thuộc đối tượng miễn kiểm định bị mất thì trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận kiểm định lần đầu, Tem kiểm định lần đầu, chủ sở hữu phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật đến các đơn vị đăng kiểm khai báo theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BGTVT để được in lại 01 lần duy nhất Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định (Chủ xe không phải mang xe đến đơn vị đăng kiểm);

– Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Tem kiểm định của xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu bị hư hỏng, có sự sai lệch so với thông tin của xe thì chủ xe mang Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định đã được cấp đến đơn vị đăng kiểm và khai báo theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BGTVT để đơn vị đăng kiểm rà soát, kiểm tra thông tin và để được in lại Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định (Chủ xe không phải mang xe đến đơn vị đăng kiểm).

Hiện nay, tất cả các trường hợp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định bị mất, hư hỏng thì chủ xe phải đưa xe đi kiểm định lại để cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định.

5. Chủ xe tự dán tem kiểm định khi được miễn đăng kiểm lần đầu

Khoản 3 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BGTVT quy định như sau:

Đối với xe cơ giới thuộc đối tượng miễn kiểm định lần đầu, đơn vị đăng kiểm căn cứ hồ sơ do chủ xe cung cấp đã được kiểm tra, đánh giá đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT này để cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định (Chủ xe không phải đưa xe cơ giới đến đơn vị đăng kiểm).

Ngoài ra, khoản 5 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BGTVT bổ sung trách nhiệm của chủ xe như sau:

Đối với trường hợp xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu, chủ xe phải dán tem kiểm định lên xe cơ giới trước khi tham gia giao thông theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT.

Như vậy, trường hợp xe ô tô mới được miễn kiểm định lần đầu thì chủ xe không cần mang xe đến đơn vị đăng kiểm mà chỉ cần cung cấp đầy đủ hồ sơ hợp lệ thì sẽ được cấp tem kiểm định và tự dán tem kiểm định lên xe trước khi tham gia giao thông.

7. Giãn chu kỳ đăng kiểm ô tô

Thông tư 02/2023/TT-BGTVT quy định chu kỳ đăng kiểm xe ô tô như sau:

TTLoại phương tiệnChu kỳ (tháng)
Chu kỳ đầuChu kỳ định kỳ
1. Ô tô chở người các loại đến 09 chỗ không kinh doanh vận tải
1.1Sản xuất đến 07 năm36 (Trước đây là 30)24 (Trước đây là 18)
1.2Sản xuất trên 07 năm đến 20 năm (Trước đây là sản xuất trên 07 năm đến 12 năm) 12
1.3Sản xuất trên 20 năm (Trước đây là sản xuất trên 12 năm) 06
2. Ô tô chở người các loại đến 09 chỗ có kinh doanh vận tải
2.1Sản xuất đến 05 năm2412
2.2Sản xuất trên 05 năm06
2.3Có cải tạo1206
3. Ô tô chở người các loại trên 09 chỗ
3.1Thời gian sản xuất đến 05 năm2412
3.2Thời gian sản xuất trên 05 năm06
3.3Có cải tạo1206
4. Ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo, rơ moóc, sơmi rơ moóc
4.1Ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo đã sản xuất đến 07 năm; rơ moóc, sơmi rơ moóc đã sản xuất đến 12 năm2412
4.2Ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo đã sản xuất trên 07 năm; rơ moóc, sơmi rơ moóc đã sản xuất trên 12 năm06
4.3Có cải tạo1206
5. Ô tô chở người các loại trên 09 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả ô tô chở người trên 09 chỗ đã cải tạo thành ô tô chở người đến 09 chỗ).03

 

Hiện nay, nhu cầu sử dụng xe Ô tô, xe máy ngày càng gia tăng, để giảm thiểu thời gian, công sức khi làm thủ tục, ngày 13/3/2023 Tổng cục thuế đã ban hành Công văn 691/TCT-DNNCN triển khai chính thức hệ thống dịch vụ thuế điện tử đáp ứng khai lệ phí trước bạ ô tô, xe máy. Trong đó xác định:

1. Đối tượng được khai lệ phí trước bạ online

Đối tượng có ô tô, xe máy mới đăng ký lần đầu, không bao gồm: Ô tô vận tải hàng hóa (trừ ô tô pick up, ô tô tải Van), ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự và vỏ, tổng thành khung, tổng thành máy của ô tô, xe máy được thay thế mà phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; trường hợp được miễn lệ phí trước bạ và thừa kế, quà tặng tài sản là phương tiện.

2. Điều kiện khai lệ phí trước bạ online với ô tô, xe máy

– Trường hợp người nộp thuế đã có tài khoản giao dịch thuế điện tử với cơ quan thuế thì sử dụng tài khoản này để khai lệ phí trước bạ điện tử trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

– Trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử với cơ quan thuế thì sử dụng thông tin mã số thuế, ngày cấp để thực hiện khai điện tử lệ phí trước bạ ô tô, xe máy tại Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Người nộp thuế có nhu cầu đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử để thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan thuế thực hiện đăng ký tài khoản theo hướng dẫn tại Phụ lục kèm theo công văn số 377/TCT-DNNCN ngày 05/02/2021 của Tổng cục Thuế.

3. Quy trình khai lệ phí trước bạ online với ô tô, xe máy

Bước 1:  Người nộp thuế thực hiện

– Kê khai tờ khai lệ phí trước bạ trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế phân hệ cá nhân (https://canhan.gdt.gov.vn);

– Nhập thông tin về số giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc số khung (đối với xe nhập khẩu); Số seri Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng hoặc Số giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, ngày cấp (đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước).

Bước 2: Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tự động gửi yêu cầu truy vấn sang hệ thống ứng dụng của Bộ Giao thông Vận tải để lấy các thông tin tài sản hiển thị trên tờ khai lệ phí trước bạ theo mẫu 02/LPTB Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế.

Bước 3: Người nộp thuế thực hiện đối chiếu thông tin điện tử với thông tin trên hồ sơ giấy.

Trường hợp khớp đúng, người nộp thuế tiếp tục hoàn thiện việc kê khai các thông tin còn thiếu trên tờ khai như chọn tỉnh/thành phố, quận/huyện, địa chỉ, giá giao dịch mua bán theo hóa đơn bán hàng, thông tin người bán … và thực hiện theo yêu cầu của Cổng thông tin điện tử để hoàn thành tờ khai, Cổng thông tin điện tử gửi mã xác thực (OTP) đến số điện thoại đã kê khai của người nộp thuế để người nộp thuế hoàn thiện gửi hồ sơ khai LPTB điện tử.

Trường hợp không khớp đúng người nộp thuế kiểm tra lại thông tin kê khai hoặc liên hệ với Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực nơi tiếp nhận hồ sơ khai LPTB ô tô, xe máy để được hướng dẫn.

Bước 4: Cổng Thông tin điện tử gửi thông báo về tiếp nhận hồ sơ khai thuế điện tử vào địa chỉ thư điện tử đã kê khai của người nộp thuế.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số quy định về nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nghị định có hiệu lực từ 1.1.2023, nhằm hướng dẫn thực hiện việc bãi bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy theo luật Cư trú 2020. Theo đó, một số thủ tục hành chính có sự thay đổi đáng kể, giúp cho người dân rút ngắn được thời gian, giấy tờ như trước đây, cụ thể:

Đối với lĩnh vực đất đai

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP, một trong những căn cứ để xác định việc sử dụng đất ổn định là giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở. Tuy nhiên, với quy định mới tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022, người dân chỉ cần cung cấp CMND hoặc thẻ CCCD hoặc giấy khai sinh. Trường hợp không khai thác được thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì bổ sung giấy xác nhận thông tin về cư trú.

Một chính sách khác cũng liên quan trong lĩnh vực đất đai là Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016, quy định hồ sơ nhận khoán rừng tự nhiên, rừng trồng, đất rừng; vườn cây cao su, chè, cà phê, cây ăn quả lâu năm… bao gồm bản sao chụp sổ hộ khẩu đối với cá nhân, hộ gia đình. Đối với cộng đồng dân cư thôn thì cần có bản sao chụp sổ hộ khẩu của các cá nhân và hộ gia đình trong cộng đồng. Nhưng tới đây, theo quy định mới tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP, kể từ 1.1.2023 hồ sơ đề nghị nhận khoán không còn yêu cầu cung cấp sổ hộ khẩu đối với cá nhân hộ gia đình. Riêng đối với cộng đồng dân cư thì yêu cầu thông tin về số định danh cá nhân của các thành viên trong danh sách.

Đối với lĩnh vực điện

Hiện nay, Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định nếu muốn ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt, người mua điện phải cung cấp bản sao của một trong các giấy tờ: hộ khẩu thường trú, hoặc sổ tạm trú; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 1 năm trở lên; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà được công chứng hoặc chứng thực. Với quy định mới tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP, người mua điện chỉ cần có thông tin về cư trú của hộ gia đình tại địa điểm mua điện hoặc giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng địa điểm mua điện.

Về hồ sơ đăng ký, bên mua điện cần cung cấp CMND hoặc thẻ CCCD, giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của cá nhân đại diện bên mua điện.

Đối với lĩnh vực BHYT

Nghị định 104/2022/NĐ-CP bổ sung nhiều điểm mới liên quan đến BHYT. Theo đó, quy định về nhóm tham gia BHYT hộ gia đình sửa đổi từ “người có tên trong hộ khẩu” thành “người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú…”; “người có tên trong sổ tạm trú” thành “những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú…” . Ngoài ra, với thủ tục nhận thay tiền giải quyết chế độ BHXH, nghị định mới cũng bỏ cụm từ “bản sao sổ hộ khẩu”. Các giấy tờ cần xuất trình khi đến nhận thay gồm:

  • Nếu là thân nhân của người hưởng chế độ: cung cấp giấy hẹn, CMND hoặc thẻ CCCD và một trong các giấy tờ chứng minh là thân nhân của người hưởng BHYT: bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
  • Nếu là người giám hộ: cung cấp giấy hẹn, CMND hoặc thẻ CCCD, giấy tờ chứng minh là giám hộ đương nhiên của người hưởng BHYT (bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

Đối với lĩnh vực giáo dục (chính sách hỗ trợ học sinh)

Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ đối với học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn phải có sổ hộ khẩu (bản sao có mang bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực).

Còn với Nghị định 104/2022/NĐ-CP, người làm hồ sơ chỉ cần nộp bản sao của một trong các giấy tờ: CMND hoặc thẻ CCCD, giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp cơ quan, tổ chức không thể khai thác thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tương tự, Nghị định 105/2020 quy định cha mẹ khi làm hồ sơ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo (trường hợp đủ điều kiện được hưởng) phải cung cấp bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu. Nhưng theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP, phụ huynh chỉ cần nộp bản sao của một trong các giấy tờ: CMND hoặc thẻ CCCD, giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp cơ quan, tổ chức không thể khai thác thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Với đối tượng trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, khi làm hồ sơ đề nghị trợ cấp, cha mẹ chỉ cần cung cấp giấy khai sinh, thay vì phải nộp cả sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tạm trú như trước đây.

Theo truyền thống của người dân Việt Nam, khi con cái trưởng thành và lập gia đình, cha mẹ thường cho con một số vốn để xây dựng gia đình. Thông thường cha mẹ tặng cho con quyền sử dụng đất để an cư. Vốn là người trong gia đình, nên việc tặng cho quyền sử dụng đất giữa cha mẹ và con cái thường không lập hợp đồng mà thông qua lời nói. Sau đó vợ chồng của người con đầu tư xây nhà và ở ổn định, các anh chị em trong gia đình ai cũng biết việc này nhưng không ai có ý kiến gì, đến khi vợ chồng người con ly hôn và yêu cầu tòa chia tài sản chung thì xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất giữa vợ chồng người con và cha mẹ. Vì cho rằng việc tặng cho quyền sử dụng đất mà không lập hợp đồng thì không có giá trị pháp lý và quyền sử dụng đất vẫn thuộc về cha mẹ, chỉ tài sản trên đất thuộc về vợ chồng người con. Đây là vấn đề xảy ra rất nhiều trong cuộc sống mà các cơ quan có thẩm quyền cũng lúng túng trong việc giải quyết sao cho vừa hợp lý, vừa hợp tình đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên.

Để hướng dẫn giải quyết các vụ tranh chấp có nội dung tương tự như trên, ngày 06/4/2016 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 220/AL-CA công bố án lệ số 03/2016/AL của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao về vụ án ly hôn có nhận định: Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất”

Như vậy, theo nội dung án lệ mặc dù cha mẹ tặng cho quyền sử dụng cho vợ chồng người con mà không lập hợp đồng tặng cho, nhưng không có ý kiến phản đối gì khi vợ chồng người con xây nhà trên đất, quản lý sử dụng ổn định và đã được cấp giấy chứng nhận thì việc tặng cho đó vẫn có giá trị pháp lý, quyền sử dụng đất đã thuộc về vợ chồng người con, cha mẹ và những người khác trong gia đình không có quyền đòi lại. Vậy là từ nay đã có căn cứ để làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn mà có liên quan đến quyền sử dụng đất được cha mẹ tặng cho bằng lời nói, không lập thành hợp đồng.  

Thừa kế di sản do cha mẹ để lại luôn là vấn đề phát sinh nhiều tranh chấp. Một số người trước khi chết đã kịp lập di chúc thể hiện ý nguyện của mình về việc giao lại số tài sản đã tạo lập, có thể là nhà đất hoặc tiền vàng. Nhưng cũng có một số người không lập di chúc mà mặc nhiên cho rằng người con nào đang ở cùng và phụng dưỡng cha mẹ thì sẽ được hưởng. Thực tế không đơn giản như vậy, ngày nay có rất nhiều trường hợp tranh chấp di sản thừa kế diễn ra bao gồm cả trường hợp có di chúc và không có di chúc.

Trường hợp tranh chấp di sản mà chúng tôi đã tư vấn cho khách hàng cũng phát sinh tranh chấp mặc dù trước khi chết, cha mẹ đã lập di chúc xác định những người được thừa kế di sản. Vụ việc có nội dung như sau: cha mẹ có tất cả 11 người con, trước khi chết cha mẹ có lập di chúc để lại di sản là một căn nhà cho 05 người con trong số 11 người con. Người mẹ chết trước người cha 01 năm, sau khi cha mẹ chết những người có tên trong di chúc tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Tuy nhiên, cơ quan công chứng yêu cầu 06 người con không có tên trong di chúc phải làm văn bản từ chối nhận di sản và họ rất hoang mang không biết yêu cầu như vậy có đúng hay không vì những người này không được để lại di sản thì tại sao phải từ chối di sản. Để giải đáp thắc mắc trong tình huống trên, chúng tôi xin nêu ý kiến pháp lý của mình trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành về thừa kế theo di chúc như sau:

Căn cứ vào Điều 644 BLDS 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc bao gồm: cha, mẹ, vợ, chồng; con chưa thành niên; con đã thành niên mà không có khả năng lao động. Do đó, mặc dù người mẹ chỉ lập di chúc cho 05 người con nhưng người chồng vẫn được hưởng 2/3 một suất theo quy định của pháp luật. Khi người chồng chết thì phần mà người chồng được hưởng từ vợ là di sản thừa kế không có di chúc.

Căn cứ vào quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 650, 651 BLDS 2015, thì phần di sản không có di chúc sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Những người được thừa kế theo quy định của pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Do đó, cả 11 người con đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất đối với phần di sản mà người chồng thừa kế từ vợ. Vì vậy, để thực hiện thủ tục thừa kế, 06 người con không có tên trong di chúc phải từ chối nhận phần di sản do người cha để lại theo quy định của pháp luật.

Việc lập di chúc để tự định đoạt tài sản của mình sau khi chết, là việc phổ biến và sự lựa chọn của nhiều người, thông thường di chúc sẽ được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng nhận, tuy nhiên, luật vẫn cho phép di chúc miệng (di chúc bằng lời nói) trong một số trường hợp, các quy định liên quan chi tiết như sau:

1. Di chúc miệng theo quy định của pháp luật:

Theo quy định tại Điều 624 và Điều 627 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS)

– Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

– Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

– Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

Như vậy, theo quy định, thì người để lại di chúc chỉ được lập di chúc miệng, khi rơi vào các hoàn cảnh ngặt nghèo như: tai nạn, bị cái chết đe dọa,… mà người đó không thể lập di chúc bằng văn bản, nhưng có nguyện vọng để lại di sản cho những người thừa kế.

2. Hiệu lực của di chúc miệng:

2.1 Điều kiện được lập di chúc miệng

Theo quy định tại khoản 5 Điều 630 BLDS, di chúc miệng được coi là hợp pháp khi đáp ứng ba điều kiện sau:

– Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng.

– Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

2.2 Điều kiện đối với người lập di chúc miệng:

Như trên phân tích, thì chỉ trong hoàn cảnh nguy kịch, tai nạn hoặc bị cái chết đe dọa ,… người lập di chúc có thể được phép để lại di chúc miệng, nhưng vẫn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về năng lực lập di chúc theo quy định của BLDS cụ thể như sau:

– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc;

– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

– Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực

2.3 Điều kiện đối với người làm chứng:

Người làm chứng đối với di chúc miệng cũng phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 632 BLDS:

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây không được phép làm chứng: 

– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

Những người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc theo quy định tại Điều 651 BLDS gồm:

+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

3. Trường hợp nào di chúc miệng bị huỷ bỏ:

Theo quy định tại Điều 629 BLDS, sau 03 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng đương nhiên bị hủy bỏ.

Trường hợp người lập di chúc miệng đủ điều kiện lập di chúc, nhưng người làm chứng của người lập di chúc không đáp ứng các điều kiện theo quy định của BLDS hoặc người lập di chúc miệng và nội dung di chúc không đáp ứng các điều kiện theo quy định BLDS thì di chúc miệng có thể bị hủy bỏ.

1- In thư phỏng vấn trực tiếp từ email mà NVC gửi. Chỉ cần in 2 trang đầu tiên (có thông tin thời gian phỏng vấn và tên các đương đơn), số lượng từ 2 đến 3 bản vì thư phỏng vấn sẽ sử dụng nhiều lần: chích ngừa, khám sức khoẻ và khi đi phỏng vấn chính thức.

2- Liên lạc với người bảo lãnh bên Mỹ về bộ hồ sơ thuế mới nhất. Nếu ngày phỏng vấn sau ngày 15/4 hằng năm thì bắt buộc khi phỏng vấn đương đơn phải mang theo hồ sơ thuế năm vừa rồi của người bảo trợ chính và/hoặc người đồng bảo trợ. Ngoài ra, PHẢI CÓ CHỮ KÝ SỐNG của người bảo trợ chính (trên I-864) và người đồng bảo trợ (trên I-864A). Nếu người đồng bảo trợ có chồng/vợ thì trong I-864A phải có chữ ký sống của cả 2 vợ chồng.

3- Thời hạn của Lý Lịch Tư Pháp (LLTP) số 2 là 12 tháng nhưng nếu tính đến ngày phỏng vấn mà LLTP vẫn còn khoảng 2-3 tháng thì cũng vẫn phải làm mới. Có thể làm LLTP tại Sở tư pháp hoặc Trung tâm lý lịch TP quốc gia- Hà nội. Thời gian lúc trước khi lịch visa đáo hạn hồ sơ khoảng 1 tháng đi làm lại là vừa, không nhất thiết phải chờ có thư phỏng vấn mới đi làm.

4- Nên đi chích ngừa trước và khám sức khoẻ sau vì sau khi chích ngừa sẽ nhận được tờ xác nhận chích ngừa MÀU VÀNG và sẽ nộp tờ màu vàng này cho nơi khám sức khoẻ (IOM hoặc Chợ Rẫy) để hoàn tất hồ sơ sức khoẻ. Phí chích ngừa khoảng trên dưới 1 triệu đồng mỗi người (tuỳ chỉ định của bác sĩ sau khi xét nghiệm máu). Phí khám sức khoẻ áp dụng cho cả IOM và Chợ Rẫy là $215 cho mỗi người từ 15 tuổi trở lên và $132 cho mỗi người từ 15 tuổi trở xuống (nhận thanh toán bằng cả VN Đồng và Đôla Mỹ).

+ Tại IOM: thư phỏng vấn + passport

+ Tại Chợ Rẫy: thư phỏng vấn + passport

–> KHÔNG cần đem theo hình thẻ khi khám sức khoẻ tại IOM hoặc Chợ Rẫy, đương đơn sẽ được chụp trực tiếp tại nơi làm hồ sơ, trước khi đóng phí khám.

+ Chích ngừa: thư phỏng vấn + passport + hồ sơ đã chích ngừa lúc trước (nếu có)

5- KHÔNG DỊCH THUẬT bất kỳ loại giấy tờ nào. Bản sao Hộ Khẩu và CMND của các đương đơn cũng không cần phải sao y công chứng, LSQ chỉ yêu cầu bảng copy là được.

6- Nếu hồ sơ có xin cứu xét CSPA thì thời điểm tốt nhất để xin khiếu nại với LSQ là 10 ngày trước ngày phỏng vấn

7- KHÔNG NÊN dùng hình thẻ 5×5 đã nộp cho NVC để nộp cho LSQ trong ngày phỏng vấn. Hình phải được chụp trong vòng 6 tháng (tốt nhất là vừa nhận thư phỏng vấn thì chụp lại ngay) và khác với hình đã nộp cho NVC. Lưu ý là khi chụp hình 5×5 KHÔNG ĐƯỢC ĐEO KÍNH.

8- Sau khi phỏng vấn và nhận visa, nên đóng phí thẻ xanh trước khi nhập cảnh Mỹ để có thể rút ngắn thời gian chời đợi sau khi đến Mỹ. Trung bình nếu đóng thẻ xanh trước khi nhập cảnh Mỹ thì thời gian nhận thẻ xanh sẽ sau khoảng 6 tuần. Nếu sau thời gian này mà vẫn chưa nhận được thẻ xanh thì mọi người cần liên lạc với Sở Di Trú USCIS để biết về tình trạng thẻ xanh.

Câu hỏi tư vấn:

Cha đứng tên đồng sử dụng QSD đất và QSH nhà ở cùng với bà nội và người chú. Người chú đã thế chấp nhà đất trên và được vay vốn ngân hàng với tư cách cá nhân. Khi cha chết thì người chú vẫn chưa đáo hạn trả nợ ngân hàng. Vậy các đồng thừa kế của người chết có phải liên đới trả nợ vay của người chú không? Các đồng thừa kế muốn khai di sản thừa kế  được không và thủ tục như thế nào? Kính nhờ luật sư tư vấn giúp.

Trả lời:

Người chú đã đi thế chấp căn nhà với tư cách cá nhân và có sự đồng ý của người cha và bà nội, theo quy định tại K2 Điều 64 NĐ 43/2014: “Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư”. Ngoài ra Điều 145 Luật nhà ở 2014 cũng quy định rằng “Việc thế chấp nhà ở thuộc sở hữu chung phải được sự đồng ý bằng văn bản của các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung, trừ trường hợp thế chấp nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần. Các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất có trách nhiệm liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp nhà ở theo quy định của Bộ luật dân sự”. Như vậy, người chú đã thế chấp tài sản hợp pháp với sự đồng ý của các đồng sở hữu.

Vậy các đồng thừa kế của người chết có phải liên đới trả nợ vay của người chú không? Các đồng thừa kế muốn khai di sản thừa kế được không và thủ tục như thế nào?

Nếu người chú vẫn chưa đáo hạn trả nợ ngân hàng, đến hạn thì ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp theo quy định pháp luật để yêu cầu người vay phải trả nợ và để đảm bảo thực hiện được việc thi hành án theo Bản án hoặc Quyết định có hiệu lực pháp luật, thì có thể sẽ kê biên, tổ chức bán đấu giá tài sản thế chấp theo quy định. Do xác định bên vay là cá nhân nên chỉ có người chú phải chịu trách nhiệm thanh toán tiền vay, những đồng sở hữu không có trách nhiệm liên đới.

Các đồng thừa kế muốn thực hiện được thủ tục khai di sản thừa kế, thì phải tất toán khoản vay trên và tiến hành xoá thế chấp, thực hiện quy trình khai nhận thừa kế theo pháp luật, nếu không có di chúc.

Hồ sơ cần chuẩn bị như sau:

+ Giấy chứng tử của người chết, giấy chứng tử của ông nội( nếu chết), Giấy đăng ký kết hôn của người chết. Giấy khai sinh của con.

+ Các giấy tờ nhân thân: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… của người khai nhận di sản thừa kế

+  Các giấy tờ về tài sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và qyền sở hữu nhà ở, Thông báo lệ phí trước bạ.

Theo quy định pháp luật hiện hành, thì người từ đủ 15 tuổi đến dưới mười tám tuổi không có quyền tự mình xác lập các giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, mà phải có người đại diện theo pháp luật thực hiện thay.

Cụ thể, khoản 4 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

Về người đại diện theo pháp luật của cá nhân, tại Điều 136 BLDS 2015 có quy định:

“1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”

Như vậy, nếu không thuộc các trường hợp đặc biệt theo khoản 2,3,4 Điều 136 BLDS 2015 thì cha hoặc mẹ chính là người đại diện theo pháp luật của người con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Và phạm vi đại diện, theo quy định tại khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thì: “Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện với người đó, trừ pháp luật có quy định khác”.

Theo quy định trên, thì cha hoặc mẹ chỉ có thể đại diện cho con chưa thành niên để ký kết văn bản khai nhận thừa kế và nếu ký kết văn bản thoả thuận phân chia thừa kế, chỉ được ký với một tư cách, không thể ký với đồng thời 2 tư cách là người nhận di sản và người đại diện của người dưới 18 tuổi tặng cho di sản thừa kế cho chính mình.