spot_img

DANH DỰ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU

Must read

Về mặt pháp lý, nếu hỏi danh dự giá bao nhiêu là… không có ý nghĩa, vì danh dự không trị giá được bằng tiền, không có giá như tài sản. 

Trong kết luận điều tra vụ bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan điều tra xác định vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên yêu cầu bà Hằng bồi thường tổn thất về vật chất hơn 30,9 tỉ đồng, tổn thất về tinh thần 14,9 tỉ đồng (sau đó ca sĩ Thủy Tiên phủ nhận việc mình yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần 14,9 tỉ đồng). Vậy thiệt hại về tinh thần của một người có “giá” bao nhiêu?

Cụ thể hóa khoản 1 Điều 20 Hiến pháp, BLDS quy định “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ” (khoản 1 Điều 34). 

Ở đây, BLDS khẳng định quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín thuộc nhóm “quyền nhân thân”, tức là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác (khoản 1 Điều 25). Vì đây là quyền nhân thân nên danh dự không trị giá được bằng tiền, không có giá như tài sản. Như vậy, về mặt pháp lý, nếu hỏi danh dự giá bao nhiêu là… không có ý nghĩa.

Mặc dù không có “giá”, danh dự vẫn được bảo vệ và việc bảo vệ đã được khẳng định trong Hiến pháp và BLDS như nêu trên (bên cạnh cách thức bảo vệ khác như bảo vệ qua biện pháp hình sự).

Hiến pháp bảo vệ danh dự theo hướng người bị xâm phạm được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần (Điều 30, 31). BLDS cụ thể hóa việc bảo vệ danh dự bằng cách cho phép “bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự”, “gỡ bỏ, cải chính”, “yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng”, “yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại” (Điều 34 BLDS).

Như vậy, có nhiều cách thức bảo vệ danh dự và các cách thức dân sự này là “quyền” của người bị xâm phạm nên người đó có thể yêu cầu hay không yêu cầu áp dụng. Khi yêu cầu áp dụng, người bị xâm phạm có thể yêu cầu một hay một số cách thức bảo vệ như vừa yêu cầu bác bỏ thông tin vừa yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hiến pháp ghi nhận quyền được bảo vệ danh dự cho “mọi người”, còn BLDS cụ thể hóa quyền này cho “cá nhân”. Do đó, cá nhân được bảo vệ danh dự và bất kỳ cá nhân nào cũng được bảo vệ về danh dự, không lệ thuộc vào vị trí xã hội, cá nhân là người nổi tiếng, người không hay chưa nổi tiếng cũng được bảo vệ.

Hiện nay, một số người nổi tiếng có công ty quản lý (một pháp nhân) và câu hỏi đặt ra là pháp nhân như vậy có được bảo vệ về danh dự hay không? Các quy định trên trong BLDS tập trung vào cá nhân nên chưa có cơ sở áp dụng cho pháp nhân.

Tuy nhiên, khi pháp nhân bị ảnh hưởng bởi các thông tin xấu, sai sự thật thì cũng có thể được bảo vệ theo một số quy định của pháp luật dân sự. Đặc biệt là bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và có thiệt hại phát sinh từ hành vi xâm phạm. Thực tế đã có bản án chấp nhận cho pháp nhân được bồi thường thiệt hại theo hướng vừa nêu.

Khi danh dự của một người bị xâm phạm, không phải danh dự được bồi thường, mà tổn thất do việc xâm phạm gây ra được bồi thường. Người bị xâm phạm được bồi thường tổn thất về tinh thần với mức bồi thường được quy định tại Điều 592 BLDS. Theo đó, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Ở đây, khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận và mức thỏa thuận này không bị pháp luật giới hạn. Không có “giá thị trường” về tổn thất về tinh thần nên không có cơ sở để xác định mức thỏa thuận quá cao hay quá thấp, nên pháp luật để các bên tự quyết định. Tuy nhiên, thỏa thuận như vậy nhiều khi không tồn tại trên thực tế và lúc này cơ quan tài phán phải xác định mức tổn thất về tinh thần căn cứ vào hồ sơ như tính nghiêm trọng của hành vi xâm phạm, tác động của hành vi xâm phạm tới người liên quan.

Quy định trên cho thấy khi cơ quan tài phán ấn định mức tổn thất về tinh thần (do không có thỏa thuận), mức tổn thất được bồi thường bị giới hạn và chỉ tối đa là “10 lần mức lương cơ sở”. Đây là khoản tiền rất ít, nhất là khi người bị xâm phạm là những người giàu có, nổi tiếng. 

Bên cạnh việc cho bồi thường tổn thất về tinh thần như nêu trên, BLDS còn cho người bị xâm phạm được bồi thường thiệt hại về vật chất. Người có danh dự bị xâm phạm được bồi thường thiệt hại về vật chất như chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 592). Với hướng này, tùy vào thiệt hại, mức bồi thường có thể cao hơn mức tổn thất về tinh thần nêu trên (cộng thêm với tổn thất về tinh thần).

Để được bồi thường thiệt hại về vật chất, người bị xâm phạm phải chứng minh được có thiệt hại về vật chất xảy ra trên thực tế và thiệt hại đó có mối quan hệ nhân quả từ hành vi xâm phạm. Trên thực tế, các điều kiện này rất khó được đáp ứng và rất hiếm khi yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất (nhất là về mất, giảm thu nhập) được tòa án chấp nhận nên người yêu cầu phải chuẩn bị kỹ hồ sơ để có cơ hội được bồi thường thiệt hại về vật chất bên cạnh bồi thường tổn thất về tinh thần.

Mức yêu cầu bồi thường tối đa

Về mức tối đa khi các bên không có thỏa thuận, chúng ta lưu ý hai điểm. 

Thứ nhất, mức tối đa này áp dụng cho một người bị xâm phạm nên nếu một hành vi xâm phạm tới nhiều người cùng một lúc như hành vi chửi cả nhà hay xâm phạm tới các thành viên của một hội đồng thì mức tối đa được áp dụng cho từng người bị xâm phạm. Vì vậy, ví dụ một hành vi xâm phạm tới cả vợ và chồng thì mức tối đa được áp dụng cho từng người (tổng khoản tiền tổn thất có thể lớn hơn 10 tháng lương cơ sở). 

Thứ hai, mức tối đa này đang được tòa án áp dụng cho cả pháp nhân khi quyền, lợi ích hợp pháp của pháp nhân bị xâm phạm như nêu trên.

Nguồn: báo pháp luật Tp.HCM

Theo GS.TS ĐỖ VĂN ĐẠI . Trường ĐH Luật TpHCM

0/5 (0 Reviews)
- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article