Xã hội ngày càng phát triển thì quan niệm về hôn nhân cũng có nhiều thay đổi, nếu như trước đây nam nữ chỉ sinh con sau khi đăng ký kết hôn, nhưng ngày nay nhiều bạn trẻ lựa chọn có con chung nhưng không muốn ràng buộc về mặt pháp lý, do đó họ không đăng ký kết hôn. Điều này một mặt tạo ra cho các đôi nam, nữ có cuộc sống tự do, ít hoặc thậm chí không bị ràng buộc về mặt tình cảm gia đình lẫn kinh tế, nam nữ bình đẳng với nhau trong cuộc sống, nhưng đồng thời nó cũng phát sinh các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền và nghĩa vụ đối với những đứa con được sinh ra trong thời gian nam nữ sống chung mà không có đăng ký kết hôn.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi thông tin đến Quý khách hàng các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề trên như sau:
Căn cứ vào Điều 15 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định: “Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”. Tại Điều 69 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con như sau:
Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Như vậy, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ. Do đó, dù nam nữ sống chung với nhau mà chưa đăng ký kết hôn thì vẫn phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với con được sinh ra trong thời gian sống chung, nếu đã thực hiện thủ tục nhận cha, mẹ con theo quy định của pháp luật tại cơ quan có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, tại Điều 72, 72 Luật HNGĐ 2015 còn quy định “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận…”.
Do đó, không ai được lấy lý do chăm sóc, nuôi dưỡng để cản trở, ngăn cấm người còn lại thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với con chung, cũng như đem con đi khỏi nơi cư trú mà không có sự đồng ý của người còn lại.