Nguyên đơn có tên trong bản đồ địa chính, bị đơn có giấy chứng nhận đăng ký đất đai nhưng giấy này ghi tên ấp sai so với thực tế nên bị đơn phải trả lại giá trị đất.
TAND huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) vừa xử sơ thẩm vụ án tranh chấp đất giữa ông Nguyễn Văn Tửng (ngụ xã Viên An, huyện Ngọc Hiển) và ông Lê Văn Tửng (ngụ cùng xã).
Tòa đã tuyên bị đơn phải trả lại giá trị đất cho nguyên đơn vì giấy chứng nhận (GCN) kê khai đăng ký đất đai của bị đơn được cấp từ năm 1986 nhưng giấy này ghi tên ấp không có thực trong thực tế.
Đất do ông bà để lại
Theo nguyên đơn, đất tranh chấp vốn của cha mẹ ông. Ông quản lý, kê khai và sử dụng từ năm 1975 đến nay. Tháng 3-2018, bị đơn xây dựng nhà nuôi yến, ông yêu cầu ngăn chặn nhưng phía bị đơn cứ xây nên ông đi kiện đòi lại phần đất hoặc trả bằng tiền.
Nguyên đơn cho rằng đất do mình quản lý, sử dụng từ năm 1975 đã bị phía bị đơn cất nhà nuôi yến nên khởi kiện đòi lại.
Chứng cứ của nguyên đơn là bản đồ địa chính xã Viên An có ghi tên ông là chủ sử dụng thửa đất số 06, diện tích 622,7 m2, thuộc tờ bản đồ số 44, lập năm 2007.
Trong khi phía bị đơn cho rằng đất tranh chấp do cha mình là ông Lê Văn Ức để lại; nguồn gốc là đất trống, chỉ có mồ mả ông bà trên đất. Năm 1984, nghe theo chủ trương “ai có đất thì về nhận đất, đắp lộ, xây dựng làng cá” nên cha ông về nhận đất vốn của ông bà mình. Gia đình ông sinh sống và canh tác từ đó; được cấp GCN kê khai đăng ký đất đai vào ngày 20-6-1986 với diện tích là 1.015 m2.
Theo bị đơn, do chỗ bà con nên ông có ý định cho nguyên đơn đất để xây nhà cho con ăn học. Năm 2006, khi đo đạc làm bản đồ địa chính, ông có nói với đoàn đo đạc là cho ông Nguyễn Văn Tửng phần đất ngang 4 m, dài 30 m.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tửng không cất nhà cho con ăn học, cũng không quản lý, sử dụng nên nay ông đổi ý không cho nữa.
Ấp không có thực, thửa đất không biết ở đâu
Về nguồn gốc và diễn biến sử dụng đất, UBND xã Viên An đã xác minh và trả lời tòa rằng đất vốn là của ông Lê Văn Ngàn, cậu ông Nguyễn Văn Tửng và là chú ông Lê Văn Tửng. Trước năm 1975, ông Ngàn bỏ đất đi nơi khác sống. Sau năm 1975, ông Ngàn và mẹ nguyên đơn hằng năm huy động con cháu đến thửa đất để làm cỏ mộ, cúng ông bà. Năm 1984, ông Ức về nhận đất, canh tác và sau này để lại cho ông Lê Văn Tửng.
Về giấy tờ, UBND xã Viên An xác nhận thửa đất tranh chấp đang do xã quản lý theo Quyết định 76 ngày 15-6-2017 của UBND tỉnh Cà Mau, để cấp cho người dân nhưng chưa cấp cho ai. Về GCN của bị đơn, xã khẳng định ấp Trại Xẻo B ghi trong giấy này là không có trên thực tế tại địa phương từ trước đến nay. Làng cá theo chủ trương trước đây kéo dài từ ấp Trại Xẻo đến ấp Ông Trang, không có ấp Trại Xẻo B nên không xác định được đất đăng ký trong GCN của bị đơn nằm ở đâu.
HĐXX đã tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn vì có tên trong bản đồ địa chính. Tòa đã tuyên bị đơn phải trả lại đất cho nguyên đơn, quy ra tiền bằng 420 triệu đồng, theo kết quả định giá tài sản tranh chấp.
Bản đồ địa chính không chứng minh được quyền sử dụng đất
Căn cứ Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16, 17 Điều 2 Nghị định 01/2017) thì một trong những giấy tờ được lập trước năm 1993 có giá trị pháp lý trong việc chứng minh quyền sử dụng đất là có tên trong sổ đăng ký ruộng đất hoặc có tên trong sổ địa chính.
Theo khoản 1 Điều 21 Thông tư 24/2014 của Bộ TN&MT thì sổ địa chính được lập để ghi nhận kết quả đăng ký, làm cơ sở để xác định tình trạng pháp lý và giám sát, bảo hộ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được Nhà nước giao quản lý đất theo quy định của pháp luật đất đai.
Trong khi đó, theo Luật Đất đai 2013 và Điều 8 Thông tư 25/2014 của Bộ TN&MT thì bản đồ địa chính thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan. Bao gồm các thông tin như vị trí, ranh giới, diện tích các thửa đất và các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất (đường giao thông, công trình thủy lợi…).
Do đó, bản đồ địa chính không chứng minh được quyền sử dụng đất mà bản đồ địa chính là một thành phần nằm trong hồ sơ địa chính để thực hiện khi đăng ký cấp GCN quyền sử dụng đất.
Theo tôi, HĐXX cần xem xét, xác minh lại vị trí thửa đất mà bị đơn được cấp GCN đăng ký đất đai để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Nguồn: PLO