Trong các vụ án dân sự hoặc vụ án hình sự, các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thường áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng để đảm bảo việc giải quyết và thi hành án. Vậy khi nào sẽ bị phong tỏa tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng?
1. Trường hợp bị phong tỏa tài sản
Phong tỏa tài sản là biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Căn cứ Điều 125, 126 BLTTDS 2015 phong tỏa tài sản trong tố tụng dân sự bao gồm:
– Phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ: được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản đang gửi giữ và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
– Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ: áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
2. Trường hợp bị phong tỏa tài khoản
a. Trường hợp bị phong tỏa tài sản trong vụ án dân sự
Căn cứ Điều 124 BLTTDS 2015, phong tỏa tài khoản là một biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
b. Trường hợp bị phong tỏa tài sản trong vụ án hình sự
Căn cứ Điều 129 BLTTHS 2015, phong tỏa tài sản là một biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự nhằm bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
– Trường hợp bị phong tỏa tài sản:
+ Đối với người bị buộc tội: chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.
+ Đối với pháp nhân thương mại: Căn cứ Điều 438 BLTTHS 2015, phong tỏa tài khoản áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại và có căn cứ xác định pháp nhân đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của cá nhân, tổ chức khác nếu có căn cứ xác định số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân.