Trong cuộc sống, việc gửi – giữ xe xảy ra thường xuyên. Khi gửi xe, bên giữ xe có trách nhiệm trông, giữ xe cho bên gửi theo thỏa thuận của hai bên.
Theo quy định tại Điều 116, Khoản 1 Điều 119 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự như sau :Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự và thể hiện ở các hình thức sau:
– Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Căn cứ Điều 554 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng gửi giữ tài sản:
“Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.”
Có thể thấy, nếu đi đến các cửa hàng mà có vé gửi xe hoặc có nhân viên, chủ cửa hàng, nhân viên bảo vệ trông giữ xe cho khách thì đều có thể xem là đã giao kết hợp đồng gửi giữ dưới hình thức là giao kết bằng lời nói, hành vi cụ thể.
Vậy nên, khi xe của bên gửi mất thì bên nhận gửi giữ xe có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 4 Điều 557 Bộ luật dân sự năm 2015:
“4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.”
Căn cứ vào các quy định trên thì bên giữ xe phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại vì làm mất xe của bên gửi.
Trên thực tế, khi gửi xe bên giữ xe sẽ giao cho bên gửi xe vé giữ xe, do đó, khi bị mất trộm xe xảy ra, vé giữ xe đó sẽ chính là bằng chứng thể hiện sự giao kết hợp đồng gửi giữ giữa hai bên.
Bên gửi xe và bên giữ xe có thể thỏa thuận về mức bồi thường hợp lý với giá trị chiếc xe tại thời điểm đó.
Trường hợp không thể đạt được thỏa thuận thì bên gửi xe có thể gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân cấp huyện để được yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, cần lưu ý khi phát hiện ra việc mất xe, bên gửi xe phải ngay lập tức báo cho bên giữ xe biết sự việc và yêu cầu bên giữ xe trích xuất camera, lập biên bản sự việc và tiến hành yêu cầu bên giữ xe trình báo cơ quan công an xã/phường/thị trấn giải quyết. Trên thực tế, bên có tài sản nên biết cách tự bảo quản tài sản của mình, đề phòng các rủi ro có thể xảy ra, tránh gây thiệt hại về tài sản về sau này.