Hiện trên sổ hồng của gia đình tôi gồm có tên ba tôi (đã chết) và mẹ tôi.Ba tôi mất năm 1994 lúc đó 76 tuổi.Nay gia đình tôi muốn tách thửa cho đứa cháu ruột trong nhà song người ta yêu cầu phải có giấy chứng tử của ông nội tôi. (ông nội mất trước 1930). Vì người ta bảo rằng cần giấy chứng tử của ông nội để chứng tỏ ông nội tôi không còn quyền thừa kế do ba tôi để lại. Và giấy khai sinh của ba tôi mà ba tôi cũng sinh trước 1930.Nên xã nơi tôi sinh sống cũng không làm được giấy khai sinh.
Vậy nhờ luật sư cho tôi hỏi những yêu cầu trên có đúng không vì tôi thấy rất vô lý.Vì trước 1930 thì chưa hình thành được thì có cơ quan nào chứng giám cho giấy khai sinh của ba và chứng tử của ông nội.Nếu bắt buộc phải làm 2 giấy tờ trên thì làm ở đâu và làm như thế nào, và thủ tục tách thửa đó cần những giấy tờ gì?
Trả lời:
Cám ơn ông đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến các Luật sư của Văn phòng luật sư Lê Giang chúng tôi. Sau đây là giải đáp cho trường hợp cụ thể của ông:Như nội dung thông tin mà ôngcung cấp thì cha ông chết không để lại di chúc, do đó tài sản do cha ông để lại sẽ được thừa kế theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 651 BLDS về người thừa kế theo pháp luật
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a)Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Do đó, ông bà nội của ông thuộc hàng thứa kế thứ nhất đối với tài sản do cha ông để lại. Việc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp giấy chứng tử của ông nội ông và giấy khai sinh của cha ông là đúng quy định của pháp luật, nhằm để chứng minh quan hệ cha con giữa cha ông và ông nội ông, đồng thời xác định quyền thừa kế của ông nội đối với tài sản do cha ông để lại, tránh bỏ sót đồng thừa kế khi khai nhận di sản.
Nếu giấy chứng tử và giấy khai sinh bị mất hoặc chưa thực hiện thủ tục đăng ký thì ông có thể thực hiện theo cách sau:
– Đối với giấy chứng tử của ông nội ông: vì chết trước năm 1930, nên gia đình có thể làm tờ tường trình về thời điểm, lý do chết của ông nội ông và cam kết chịu trách nhiệm nội dung đã khai báo và đề nghị cơ quan đăng ký đất đai xem xét.
– Đối với giấy khai sinh của cha ông: nếu như giấy khai sinh bị thất lạc hoặc chưa khai sinh thì ông có thể thay thế bằng tờ khai gia đình do chế độ cũ cấp, trong đó có ghi quan hệ gia đình, như vậy có thể chứng minh được quan hệ cha con giữa ông nội ông và cha ông. Ông có thể liên hệ với cơ quan công an quận/huyện nơi cha ông thường trú trước khi chết để xin trích lục tờ khai gia đình.
Thân chào ông.
Đừng ngại liên hệ với chúng tôi nếu bạn cần tư vấn, hỗ trợ cho trường hợp cụ thể của bạn:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ LÊ GIANG 47/1 Nguyễn Văn Đậu, Phường 6, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM, VN Trưởng văn phòng: Luật sư Lê Hoài Giang Luật sư tư vấn Phone/Viber/Zalo: 0903.392.117- 0902.268.667- 0901.85 96 83 Web: www.legianglaw.vn Email: lsgiangle@gmail.com