spot_img

VẬN ĐỘNG VIÊN GỐC VIỆT VỀ THAM GIA HOẠT ĐỘNG THỂ THAO

Must read

Hỏi: Tôi là một vận động viên thể thao gốc Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài. Tôi có nguyện vọng muốn về Việt Nam cống hiến cho hoạt động thể thao nước nhà. Xin hỏi về các quy định về việc vận động viên thể thao là người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia hoạt động thể thao tại Việt Nam?

Trả lời:

Quyền hạn, nhiệm vụ của huấn luyện viên và vận động viên người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia hoạt động thể thao tại Việt Nam
Theo Quyết định số 788-TTg ngày 24/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài cư trú tại Việt Nam tham gia các hoạt động trong các đoàn thể thao Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, Nhà nước Việt Nam khuyến khích huấn luyện viên và vận động viên người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia hoạt động thể thao tại Việt Nam. Điều 3 của Quyết định này quy định các quyền hạn, nhiệm vụ của các vận động viên, chuyên gia thể thao như sau:

– Các vận động viên được ghi tên tham gia thi đấu các giải thể thao ở trong nước.

– Các vận động viên có thành tích thi đấu xuất sắc được tuyển lựa vào các đội tuyển thể thao Việt Nam, được hưởng chế độ đài thọ bồi dưỡng bảo đảm việc luyện tập (về ăn, ở, đi lại) như mọi vận động viên trong đội tuyển.

– Các vận động viên, chuyên gia thể thao có thành tích xuất sắc trong thi đấu quốc tế mang lại vinh quang cho Tổ quốc được xét khen thưởng xứng đáng.

– Được cấp nhanh thị thực nhập xuất cảnh nhiều lần phù hợp với thời gian ghi trong giấy mời (hoặc hợp đồng) và được cơ quan sử dụng đài thọ chi phí cần thiết trong thời gian làm nhiệm vụ.

– Các vận động viên tham gia thi đấu các giải thể thao trong nước hoặc được tuyển lựa vào các đội tuyển thể thao Việt Nam có nghĩa vụ tập luyện và thi đấu hết mình vì danh dự của Tổ quốc.

– Các chuyên gia thể thao có nghĩa vụ đem hết tài năng và trí tuệ ra sức cùng các đồng nghiệp góp phần vào việc phát triển sự nghiệp thể dục – thể thao của đất nước.

– Các vận động viên, chuyên gia thể thao phải tôn trọng, thực hiện đầy đủ luật pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Điều kiện để trở thành vận động viên chuyên nghiệp tại Việt Nam
Khoản 2 Điều 10 Nghị định 36/2019/NĐ-CP ngày 29/04/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao quy định:

“Vận động viên chuyên nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Có hợp đồng lao động với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.
Được liên đoàn thể thao quốc gia công nhận là vận động viên chuyên nghiệp. Trường hợp vận động viên là người nước ngoài tham gia thi đấu thể thao chuyên nghiệp tại Việt Nam phải có chứng nhận chuyển nhượng quốc tế và Giấy phép lao động theo quy định pháp luật về lao động.”
Trường hợp ông/bà là người gốc Việt nhập cảnh vào Việt Nam bằng hộ chiếu nước ngoài, khi tham gia hoạt động thể thao tại Việt Nam phải đáp có các giấy tờ sau:

– Hợp đồng lao động với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.

– Chứng nhận chuyển nhượng quốc tế.

– Giấy phép lao động theo quy định pháp luật về lao động.

Về việc tham gia đội tuyển quốc gia Việt Nam:
Điều 36 Luật Thể dục thể thao 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định về các tiêu chuẩn để người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tuyển chọn vào đội thể thao quốc gia phù hợp với pháp luật Việt Nam và quy định của các tổ chức thể thao quốc tế bao gồm:

– Là công dân Việt Nam.

– Có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu tuyển chọn của ban huấn luyện đội tuyển.

– Có phẩm chất đạo đức tốt.

Nguồn: Vụ Pháp chế Thanh tra
Ủy ban Nhà nước về NVNONN

0/5 (0 Reviews)
- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article