Xác định lại giới tính là một quyền của cá nhân được ghi nhận tại Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên có phải mọi trường hợp cá nhân đều có quyền yêu cầu xác định lại giới tính?
1. Khi nào cá nhân được quyền xác định lại giới tính?
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong các trường hợp sau: (Điều 36 BLDS 2015)
– Giới tính bị khuyết tật bẩm sinh: Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật.
– Chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính: Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.
2. Nguyên tắc xác định lại giới tính
– Bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình.
– Việc xác định lại giới tính phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực, khoa học và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính.
– Giữ bí mật về các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính, trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc xác định lại giới tính.
3. Quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi xác định lại giới tính (Điều 36 Bộ luật dân sự)
– Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch;
– Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan.
4. Các mức phạt hành chính về xác định lại giới tính
Các mức phạt hành chính về xác định lại giới tính được quy định tại Điều 45 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cụ thể:
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác;
+ Phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính (Ngoài ra người có hành vi vi phạm còn phải xin lỗi trực tiếp người bị phân biệt đối xử).
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi xác định lại giới tính khi chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế.