spot_img

TRÁCH NHIỆM CỦA CỔ ĐÔNG KHÔNG GÓP VỐN VÀ CÁCH XỬ LÝ

Must read

Với sự cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính và giảm thiểu các điều kiện khi thành lập doanh nghiệp, đã tạo cơ hội cho nhiều bạn trẻ khởi nghiệp bằng số vốn tích lũy được hoặc vay mượn, điều này làm gia tăng số doanh nghiệp được thành lập. Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả không cao vì nhiều nguyên nhân như thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn.

Một thực trạng hiện nay do luật không yêu cầu bắt buộc chứng minh số vốn góp trên thực tế, mà để cho nhà đầu tư tự đăng ký số vốn phù hợp với ngành nghề mà mình sẽ kinh doanh, do đó rất nhiều doanh nghiệp đăng ký số vốn điều lệ lớn nhưng các cổ đông góp vốn lại không xoay sở được tiền để góp đúng hạn, dẫn đến tình trạng đã có tên trong giấy chứng nhận doanh nghiệp nhưng vẫn không góp vốn hoặc góp không đầy đủ số vốn đã đăng ký trong thời hạn do pháp luật quy định.

 Vậy trách nhiệm của những cổ đông không góp vốn hoặc góp không đầy đủ đến đâu và phải xử lý tình huống này như thế nào.

1. Thời hạn góp vốn của các cổ đông khi thành lập công ty

Căn cứ Khoản 1, Điều 113, Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định về thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, “Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.”

Như vậy, các cổ đông khi đã đăng ký mua cổ phần buộc phải góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu quá thời hạn trên mà không góp vốn thì cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác; Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán, không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác; Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán. Tuy nhiên, cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ.

2. Xử lý đối với cổ đông không thanh toán tiền mua cổ phần

Trong trường hợp cổ đông công ty không thanh toán đầy đủ số cổ phẩn mà cổ đông đã đăng ký khi thành lập công ty thì công ty phải tiến hành một trong hai thủ tục sau:

a) Thủ tục giảm vốn điều lệ theo đúng tổng số cổ phần các cổ đông đã thanh toán.

Công ty cổ phần phải tiến hành thủ tục giảm vốn điều lệ tại Phòng đăng ký kinh doanh đăng ký nơi đặt trụ sở chính trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông ra quyết định giảm vốn điều lệ, hồ sơ gồm:

– Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông về việc giảm vốn điều lệ do các cổ đông không thanh toán hết số cổ phần đã đăng ký;

– Quyết định Đại hội đồng cổ đông về việc giảm vốn điều lệ do các cổ đông không thanh toán hết số cổ phần đã đăng ký;

– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh (thay đổi vốn điều lệ công ty);

– Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần, trong đó không bao gồm thông tin về cổ đông sáng lập chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua.

b) Hội đồng quản trị chào bán số cổ phần chưa thanh toán hết cho các cổ đông sáng lập còn lại.

Trong trường hợp các cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần hoặc chưa thanh toán số cổ phần đăng ký mua. Hội đồng quản trị có nhiệm vụ chào bán số cổ phần chưa thanh toán hết cho các cổ đông còn lại trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thanh toán đủ số cổ phần. Sau đó, công ty tiến hành thủ tục thông báo thay đổi thông tin cổ đông sáng lâp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính của công ty, hồ sơ gồm:

– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;

– Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần, trong đó không bao gồm thông tin về cổ đông sáng lập chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua.

Thông tin trên được quy định rất rõ trong luật, là căn cứ pháp lý để các doanh nghiệp xử lý vấn đề vướng mắc với các thành viên công ty hoặc cổ đông không góp vốn hoặc góp không đủ, để sắp xếp, cơ cấu tổ lại doanh nghiệp, tránh việc tranh chấp.

0/5 (0 Reviews)
- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article