Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Trong các vụ án Hôn nhân gia đình, thông thường Tòa án phải giải quyết 03 mối quan hệ là quan hệ hôn nhân, con chung và tài sản chung. Cả 03 vấn đề trên phải được giải quyết đồng thời thì vụ việc mới kết thúc. Trong đó tranh chấp về tài sản chung là khó khăn và mất nhiều thời gian nhất bởi có nhiều vụ việc tài sản tranh chấp có thể ở nhiều nơi và tồn tại nhiều loại hình khác nhau. Bên cạnh đó, một bên vợ/chồng còn cố tình che dấu hoặc tẩu tán tài sản để tránh việc phân chia cho người kia. Riêng đối với tài sản đưa vào kinh doanh, Luật hôn nhân gia đình quy định trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Cổ phần/vốn góp trong công ty cũng là một dạng tài sản đưa vào kinh doanh, vậy việc phân chia cổ phiếu/vốn góp này như thế nào cho hợp tình hợp lý khi giải quyết ly hôn. Hiện nay ở mỗi cấp tòa án có cách giải quyết khác nhau về vần đề này. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi nêu ra một vụ án liên quan đến việc phân chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phần/vốn góp trong doanh nghiệp (cụ thể trong vụ án này là cổ phần trong Công ty cổ phần), như sau:
Ông P và bà V nộp đơn yêu cầu giải quyết ly hôn và chia tài sản chung, bao gồm nhà, đất, xe, tiền cho thuê nhà và cổ phần của công ty X (cả ông P và bà V đều có cổ phần). Ở tòa án cấp sơ thẩm quyết định giao cho bà V được sở hữu toàn bộ số cổ phần của công ty X (bao gồm cả phần của ông P). Bà V đã kháng cáo bảo án về phân chia tài sản và được tòa án cấp phúc thẩm sửa một phần bản án trong việc xác định lại giá trị tài sản tranh chấp nhưng vẫn giao cho bà V sở hữu toàn bộ số cổ phần tại công ty X. Sau khi án có hiệu lực, bà V có đơn yêu cầu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, và đã được Chánh án tòa án nhân dân tối cáo kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. đề nghị Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.
Tại quyết định giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao nhận định: khi chia cổ phần của ông P và bà V tại công ty cổ phần X, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không hỏi ý kiến của bà V về việc có đồng ý nhận toàn bộ số cổ phần hay không và cũng chưa làm rõ điều lệ của công ty X và các quy định có liên quan về thay đổi cổ đông của công ty X, chưa áp dụng điều 64 Luật Hôn nhân gia đình “về chia tài sản của vợ chồng đưa vào kinh doanh” mà đã tuyên buộc bà V phải nhận toàn bộ số cổ phần của ông P sang cho bà V là không đúng, ảnh hưởng đến hoạt động điều hành, kinh doanh của công ty, không đảm bảo quyền và lợi ích của các bên đương sự. Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, giao hồ sơ cho tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.
Như vậy, từ vụ án trên có thể xem xét đề xuất thành án lệ như sau:
Tình huống án lệ: Trong vụ án ly hôn nhân gia đình vợ chồng thừa nhận có tài sản chung là cổ phần trong Công ty cổ phần và tranh chấp số cổ phần này.
Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định số cổ phần tranh chấp là tài sản chung của vợ chồng, hỏi ý kiến của các bên về việc phân chia số cổ phần này và căn cứ vào Điều lệ Công ty, quy định pháp luật có liên quan để phân chia số cổ phần này, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty và quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.